Chương 4 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu



Chương 4

Đức Giê-su chịu cám dỗ


Mc 1,12-13; Lc 4,1-13

1 * Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Khi ấy tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Đức Giê-su lánh qua miền Ga-li-lê

Mc 1,14-15; Lc 4,14-15

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 * Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên

Mc 1,16-20; Lc 5,1-11

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Đức Giê-su giảng dạy và chữa bệnh

Lc 6,17-19

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.


*4,1 Một phần bình giải biến cố này ở Lc 4,1-13.

Như vậy Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa theo nghĩa mà người ta hiểu từ này vào thời ấy: Người được sai phái với tư cách là vua, ngôn sứ và cứu tinh, và Người biết như vậy. Nhưng Người sẽ thể hiện những vai trò ấy như thế nào, và Thiên Chúa sẽ đối xử thế nào với người con này đây ? Đó là vấn nạn sắp được đặt ra, mà cuộc thử thách sẽ làm sáng tỏ. Thử thách sẽ kéo dài suốt thời gian Chúa Giê-su thi hành sứ vụ của Người: những kẻ chống đối sẽ đòi những điềm thiêng dấu lạ, và chính các môn đệ sẽ nài xin Người lo cho bản thân Người nhiều hơn. Đoạn văn Mt lược thuật cho chúng ta hiểu cuộc thử thách thường nhật này qua ba cơn cám dỗ. Nhưng tác giả cố ý chọn hoang địa làm khung cảnh, đặt bài tường thuật ngay ở đầu đoạn văn, và khẳng định rằng Chúa Giê-su đã chiến thắng ác thần ngay trước khi khởi đầu sứ vụ.Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày. Bốn mươi ngày là thời gian có giá trị tượng trưng cho bốn mươi tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị một cuộc sinh nở mới. Đó là thời gian đã được ghi chép trong cuộc đời hai ông Mô-sê và Ê-li-a: Xh 24,18; 1 V 19,8. Đối với Chúa Giê-su, đây là thời gian thử thách, như đối với ông Áp-ra-ham khi được lệnh đem con đi sát tế, như đối với ông Mô-sê trong vụ con bò vàng. Đang khi Chúa Giê-su cảm thấy tinh thần được kiên định nhờ chay tịnh, hoàn toàn sáng suốt, thì ma quỷ tìm hết cách để thuyết phục Người rằng không thể nào chu toàn sứ mạng nếu theo đường lối Thiên Chúa dạy.

Điều kỳ lạ là Tin Mừng trình bày cuộc chạm mặt giữa Chúa Giê-su và quỷ cám dỗ (“tên cám dỗ”, là nghĩa của từ “ma quỷ”) như một cuộc tranh luận giữa hai nhà luật sĩ nảy sinh từ lời Kinh Thánh; có lẽ mục đích là giúp cho ta hiểu rằng ngay cả lời Kinh Thánh cũng có thể làm cho ta lạc hướng nếu ta không có tinh thần vâng phục Thiên Chúa.Ba cơn cám dỗ nhắc ta nhớ lại những cám dỗ mà dân Híp-ri đã kinh qua trong sa mạc (Xh 16,2; 17,1; 32). Tại suối nước Ma-ra, dân kêu trách Thiên Chúa đã dẫn họ đi một con đường quá gian khổ; tiếp theo là họ thử thách Người: “Đức Chúa có làm gì được cho ta không ?” Cuối cùng, họ đổi Thiên Chúa, đã từng là niềm vinh dự của họ, để thờ một thần minh khác tự tay họ tạo ra cho vừa tầm của mình: đó là con bò vàng. Và để trả lời, Chúa Giê-su dẫn ba câu trong Đệ nhị luật, một cuốn sách kể rõ những cuộc nổi loạn của dân Chúa trong sa mạc. Lòng vâng phục hoàn hảo của Con Thiên Chúa tương phản với những bất trung của dân. Qua cơn thử thách, Chúa Giê-su đã thắng trận, nhưng Hội Thánh của Người sẽ còn phải đối phó với những cám dỗ tương tự. Hội Thánh có thể bị cám dỗ làm thoả mãn những ước vọng của người đời thay vì đem tặng họ ơn cứu độ đích thực. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải kiên cường trước những cạm bẫy của ma quỷ, bằng cách dựa vào lời Kinh Thánh, như Người đã làm. Các sứ thần tiến đến hầu hạ Người. Sau khi đẩy lui cơn cám dỗ, Chúa Giê-su được hoàn toàn bình an. Trái tim trong sáng của Người được đưa vào một thế giới linh thiêng vô hình nhưng thiết thực không kém thế giới xung quanh ta. Vì là Con Thiên Chúa, Người hiển trị giữa các thiên thần đang hầu cận trước tôn nhan của Cha Người.

*4,17 Nước Trời đã đến gần. Người Do-thái thời ấy sợ phạm huý nên không kêu tên Thiên Chúa, và thường thì nói “Trời” để thay cho tên Chúa (x. phần bình giải 5,1). Nước Trời là Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa đến ngự trị giữa chúng ta, có nghĩa là ngay từ bây giờ, Thiên Chúa đã dứt khoát ban ơn cứu độ cho chúng ta. Anh em hãy sám hối. Động từ được dùng ở đây có nghĩa là “rẽ qua con đường khác”, nhưng cũng có thể hiểu nhiều cách. Trên môi miệng ông Gio-an Tẩy Giả, nó có nghĩa: quay lưng với tội lỗi. Đối với Chúa Giê-su, “sám hối” là bắt đầu một nếp sống mới do một cuộc hoán cải nội tâm; đó là công trình của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn