Cấm Phòng Cho Bổn Đạo Trong Mùa Chay Thánh



Cấm Phòng Cho Bổn Đạo Trong Mùa Chay Thánh

“Sách cấm phòng cho bổn đạo” là tập sách do Cố linh mục Phê-rô Maria Lương thuộc hội thừa sai Paris đã soạn thảo năm 1907. Cố Lương có tên tiếng Pháp là Pierre Marie Cadro (1845 – 1929). Khi tới Việt Nam giảng đạo tại địa phận Tây Đàng Ngoài (Tổng Giáo phận Hà Nội ngày nay), ngài đã học tiếng Việt và say mê viết sách. Ngài làm trưởng miền Vĩnh Trị trong thời gian dài từ 1872 đến 1927. Năm 1929 ngài qua đời tại Kẻ Sở.

“Sách cấm phòng cho bổn đạo” có nội dung suy niệm dành cho giáo dân dùng trong dịp cấm phòng (ngày nay gọi là tĩnh tâm) mùa Chay. Mười ngày cấm phòng được được sắp xếp theo tiến trình cụ thể. Mỗi ngày có 1 bài ban sáng và 1 bài ban chiều: Ngày thứ nhất bàn về Cấm phòng là gì và việc Đức Chúa Trời dựng nên loài người; ngày thứ hai bàn về Sự rỗi linh hồn và Tội phạm đến Đức Chúa Trời; ngày thứ ba bàn về Tội trọng và Tội mọn; ngày thứ năm cả ban sang và ban chiều bàn về Sự chết; ngày thứ sáu bàn về Kẻ khô khan và Kẻ hiền lành; ngày thứ bảy bàn về Phán xét chung và Phán xét riêng; ngày thứ tám bàn về Hoả ngục và Thiên đàng; ngày thứ chín bàn về Phép Giải tội và việc Chịu lễ; ngày cuối cùng bàn về việc Kính mến Đức Chúa Trời và Kính mến Rất Thánh Đức Bà Maria.

“Sách cấm phòng cho bổn đạo” vẫn được lưu hành trong Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhiều giáo xứ vẫn giữ nếp cấm phòng (tĩnh tâm) theo tiến trình 10 ngày này. Vào ban sáng và ban chiều trong 10 ngày, các giáo hữu đến nhà thờ ngồi nghe một vị có giọng đọc tốt với cung điệu đặc trưng để cùng suy ngẫm và dọn lòng sốt sắng trước Tam nhật Vượt Qua. Thông thường, tuần cấm phòng này được bắt đầu từ tuần thứ 5 mùa Chay cho đến ngày thứ Tư tuần thánh.

Việc chọn bản văn gốc với nhiều từ cổ do một linh mục người Pháp soạn ra dường như không hợp với thời đại. Tuy nhiên, bản văn cổ sẽ giúp cho cung điệu cổ truyền được truyền tải thuận lợi hơn. Hơn nữa, trong thời đại “đọc lướt” “sống vội” thì lời văn mộc mạc với cung điệu chậm dãi mời gọi mỗi người dừng lại để lắng đọng tâm hồn, để tìm lại chính mình và tìm lại chính Chúa.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn