Ngày 26/12: Thánh Tê-pha-nô – Phó tế, Tử đạo tiên khởi

Ngày 26/12: Thánh Tê-pha-nô – Phó tế, Tử đạo tiên khởi

Bậc lễ: Kính

Màu phụng vụ: Đỏ

Tiểu sử: Ngày 26/12: Thánh Tê-pha-nô tử đạo tiên khởi

Nghe MP3


Ca nhập lễ

Cửa trời đã mở ra cho thánh Tê-pha-nô vào, Người là vị tử đạo tiên khởi, và vì thế người được triều thiên chiến thắng trên trời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên đã biết cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình như Chúa Ki-tô dạy. Hôm nay mừng thánh nhân được rước về trời, chúng con nài xin Chúa ban ơn để chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà yêu thương ngay cả địch thù. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 6, 8-10; 7,54-59

“Kìa tôi xem thấy trời mở ra”

Bài trích sách Tông Ðồ Công Vụ.

Trong những ngày đó, Tê-pha-nô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân.

Bấy giờ, có nhóm người kia, thuộc Hội đường, mệnh danh là “của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Á đông, đã nổi dậy.

Họ tranh luận với Tê-pha-nô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiền răng phản đối ông.

Nhưng Tê-pha-nô, đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.

Ông đã nói rằng:

“Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.

Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông.

Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông.

Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolê.

Rồi họ ném đá Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu nguyện rằng:

“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn tôi”.

Thế rồi ông quì gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng:

“Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi nầy”.

Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 30,3cd 4, 6ab và 8a, 17 và 21ab

Ðáp: Lạy Chúa, tôi xin phó mạng sống tôi trong tay Chúa.

Xướng: Xin Chúa nên núi đá tôi nương náu, và nên thành trì cứu thoát tôi, bởi Chúa là núi đá và là thành trì của tôi, vì danh Chúa, xin dẫn đàng chỉ lối cho tôi.

Xướng: Tôi phó mạng sống tôi trong tay Chúa, Lạy Chúa là Thiên Chúa trung tín, xin cứu thoát tôi.

Xướng: Còn tôi, tôi trông cậy nơi Chúa, tôi hân hoan vui mừng vì lòng từ bi Chúa.

Xướng: Xin Chúa tỏ mặt nhân lành với tôi tớ Chúa, và lấy lòng thương xót Chúa cứu thoát tôi. Chúa che chở những ai nấp dưới nhan thánh Chúa khỏi mưu chước của loài người. Chúa giấu họ trong nhà Chúa khỏi miệng lưỡi gian ngoa.

Alleluia: Tv. 117, 26a và 27a

Alleluia, alleluia – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến; Chúa là Thiên Chúa đã soi sáng chúng ta. Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10,17-22

“Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”

Bài trích Phúc âm theo Thánh Mát-thêu.

Ngày ấy, Chúa Giê-su phán cùng các Tông đồ rằng:

“Chúng con hãy coi chừng người đời.

Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường.

Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân.

Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho.

Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết.

Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng thánh Tê-pha-nô tử đạo. Xưa Chúa đã ban cho người can đảm làm chứng cho đức tin, nay xin cũng ban cho chúng con một niền tin bất khuất. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng giáng sinh.

Ca hiệp lễ

Họ ném đá Têphanô đang lúc ông cầu nguyện rằng: Lạy Chúa Giêsu xin đón nhận linh hồn tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã cho niềm vui giáng sinh được tiếp nối trong lễ mừng thánh Tê-pha-nô tử đạo. Xin cho bí tích Thánh Thể biến đổi cuộc đời chúng con thành lời ca tụng không ngừng dâng lên Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. THÁNH TÊ-PHA-NÔ TỬ ĐẠO

(Mt 10,17-22)

1 Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết: các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại. Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Có khi cả người thân trong gia đình cũng tố cáo giết hại nhau.

Đó là dịp may để các ông làm chứng cho Chúa. Lúc đó, Chúa Thấn Thần sẽ soi sáng cho các ông ăn nói khôn ngoan. Và ai bền đỗ theo Chúa đến cùng thì được cứu rỗi.

Thánh Tê-pha-nô được phúc chết vì Chúa trước hết. Như thế, Chúa muốn cho chúng ta biết: môn đệ phải gặp khó khăn bách hại mới xứng với Thầy, sống chết như Người…

2. Thánh Tê-pha-nô là một trong bảy phó tế trong Giáo hội tiên khởi. Nhiệm vụ của Ngài là quản lý tài sản của Giáo hội và thường đi thăm các tín hữu trong các hang toại đạo. Ngài là người tử đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Ngài đã đi theo đúng đường lối hy sinh anh dũng của Chúa Giê-su, và do đó, được hưởng ơn cứu chuộc bằng chính máu đào đổ ra để minh chứng cho tình yêu.

Hôm qua chúng ta mừng kính Sinh nhật của Đấng Cứu Thế sinh ra cho trần gian. Hôm nay chúng ta lại mừng ngày sinh vào Nước Trời của thánh Tê-pha-nô vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đã sống một đời sống đau khổ khải hoàn, nay về trời.

3. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Đức Giê-su loan báo cho các Tông đồ về những sự bách hại trên đường truyền giáo của các ông.

Câu mở đầu: ”Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói…” (Mt 10,16) kết thúc những lời Đức Giê-su huấn thị khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, đồng thời cũng là câu cảnh giác các Tông đồ trước những sự nguy hiểm trên bước đường truyền giáo.

Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng yên ủi và khích lệ các ông, vì bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ, vì chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa những cuộc bách hại, người môn đệ có được hai lý do để hãnh diện và an ủi mình:

– Một là mình vì Thầy mà bị bách hại.

– Hai là bách hại lại là dịp để đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước Hội đồng Do thái, vua chúa quan quyền ngoại giáo về Thầy.

4. Cái chết của thánh Tê-pha-nô là mở đầu cho cuộc bách hại trong Giáo hội. Chúng ta gọi những người được chết vì Chúa là các “người tử đạo”. Hai chữ ‘Tử đạo” chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ Hy Lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin Mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Đức Giê-su nói: ”Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng…”

5. Những cuộc bách hại các Ki-tô hữu chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng đó là dịp tốt để họ làm chứng cho Đức Ki-tô trước mặt mọi người. Cái chết làm chứng của thánh Tê-pha-nô và các thánh Tử đạo làm ứng nghiệm những lời Chúa nói. Cuộc bách hại vì danh Chúa Ki-tô có thể xảy ra ngay trong gia đình, giữa những người thân thuộc, là thành viên trong gia đình, có khi tôi phải chịu thiệt thòi, bất công, chỉ vì muốn sống theo thánh ý Chúa. Tôi có dám coi đó là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa không?

6. Trong cuộc Tử đạo của thánh Tê-pha-nô, chúng ta thấy Ngài có một thái độ hết sức đáng khâm phục, đó là biết tha thứ cho kẻ hành hạ mình. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại: Họ ném đá Tê-pha-nô đang lúc ông cầu nguyện rằng: ”Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quì xuống kêu lớn tiếng: ”Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Cv 5,59-60).

Thánh Tê-pha-nô là người chứng thứ nhất tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân báo oán” là phương châm hành động của thánh Tê-pha-nô. Không có cách trả thù nào cao quí hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi, chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Tê-pha-nô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: ”Trên Thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự hận thù” (Ep 2,16).

7. Truyện: Tình yêu thắng hận thù.

Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: ”Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết chết con bà. Tôi là một tín hữu Ki-tô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà”.

Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh:

“Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Ki-tô. Nếu anh và tôi đều sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết”.

Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: ”Tôi là một tín hữu Ki-tô”, và với niềm tin cả anh lính người Anh và bà mẹ người Đức đã để cho Lời Chúa tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: ”Mắt đền mắt, răng đền răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương.

Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Mới hơn Cũ hơn