Thứ 5 Tuần 2 Thường Niên

Thứ năm tuần II thường niên

Bậc lễ: thường

Màu phụng vụ: Xanh

Nghe MP3

Năm Lẻ

Năm Chẵn


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 25 – 8, 6

“Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Giê-su có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Ðiểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Ðấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Mô-sê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.

Bài Ðọc I: (năm II) 1 Sm 18, 6-9; 19, 1-7

“Thân phụ tôi là Sao-lê định giết anh”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, sau khi hạ sát tên Phi-li-tinh, Ða-vít trở về, các phụ nữ từ mọi thành phố Ít-ra-en đều tuôn ra ca hát nhảy múa với đàn địch trống phách, vui vẻ đón vua Sao-lê. Các phụ nữ nhảy múa xướng hoạ rằng: “Sao-lê giết một ngàn, và Ða-vít giết mười ngàn”. Sao-lê bực tức lắm, vì lời ca ấy làm phật lòng ông, ông nói: “Họ tặng Ða-vít mười ngàn, còn Ta chỉ có một ngàn, như vậy y chỉ còn thiếu có ngai vàng”. Từ ngày đó trở đi, Sao-lê nhìn Ða-vít với vẻ mặt căm tức.

Sao-lê bàn với con ông là Giô-na-than và tất cả những cận thần của ông để sát hại Ða-vít. Nhưng Giô-na-than con của Sao-lê rất thương mến Ða-vít, nên tiết lộ cho Ða-vít rằng: “Thân phụ tôi là Sao-lê tìm kế giết anh đấy”. Vì thế, tôi xin anh sáng mai nên thận trọng và tìm nơi kín đáo mà ẩn mình. Tôi sẽ ra đứng gần cha tôi ngoài đồng nơi anh ẩn trốn, tôi sẽ nói chuyện anh với cha tôi, tôi thấy thế nào, rồi sẽ báo cho anh biết”.

Vậy Giô-na-than khen Ða-vít với cha ông là Sao-lê, ông nói: “Tâu phụ vương, xin chớ hãm hại tôi tớ của phụ vương là Ða-vít, vì anh không có lỗi gì đến phụ vương, và anh đã lập nhiều công trạng cho phụ vương: Anh đã liều mạng sống và hạ sát nhiều tên Phi-li-tinh; Chúa đã dùng anh mà giải thoát toàn dân Ít-ra-en. Phụ vương đã mục kích và đã hân hoan, vậy tại sao phụ vương toan đổ máu người vô tội, khi định giết Ða-vít là kẻ không có lỗi gì?” Sao-lê nghe Giô-na-than nói như vậy thì nguôi giận mà thề rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nó sẽ không bị giết”. Giô-na-than gọi Ða-vít và thuật lại cho anh nghe tất cả các lời ấy, rồi dẫn Ða-vít đến trước Sao-lê, và anh hầu cận Sao-lê như trước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 55, 2-3. 9-10ab. 10c-11. 12-13

Ðáp: Con tin cậy vào Thiên Chúa, con không kinh hãi

Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin thương con, vì người ta chà đạp con, người ta luôn luôn đấu tranh và áp bức con. Những kẻ thù ghét con chà đạp con luôn mọi lúc, vì có nhiều người chiến đấu phản hại con.

Xướng: Con đường lưu vong của con, Ngài đã biết, lệ sầu của con đã được chứa trong bầu da của Ngài, chúng há chẳng được ghi trong sổ sách của Ngài ư? Hễ bao giờ con kêu cầu Chúa, lúc đó quân thù con sẽ tháo lui.

Xướng: Con biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ con. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà con ca tụng lời hứa, con tin cậy vào Thiên Chúa, con không kinh hãi, con người phàm kia làm chi hại được con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 7-12

“Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Ga-li-lê-a theo Người, và từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem, I-đu-mê, bên kia sông Gio-đan, miền Ty-rô và Si-đôn, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. ĐỤNG CHẠM VÀO ĐỨC GIÊ-SU BẰNG ĐỨC TIN

Trong bài Tin mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay, Chúa Giê-su trở thành nhân vật trung tâm của đông đảo dân chúng. Có rất nhiều người từ miền Ga-li-lê, Giu-đê hay Giê-ru-sa-lem… lũ lượt kéo đến với Người. Thật tuyệt vời khi thấy Chúa Giê-su được nhiều người chú ý và yêu mến như thế. Nhưng đâu là lý do khiến họ chạy đến với Người như vậy? Thánh Mác-cô cũng đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi này: bởi vì họ là những người bệnh tật và mong muốn được Chúa chữa lành. Vì thế, họ đổ xô để sờ vào áo của Chúa.

Tuy nhiên, đôi khi nhiều người do thái muốn được đụng chạm vào Chúa chỉ nhằm thỏa mãn được những khao khát hiện tại là được khỏi bệnh. Nhưng sự thỏa mãn này chưa giúp nhiều cho sự tăng trưởng đức tin của họ vào con người và sứ mạng của Đức Giê-su: Đấng là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, hạ mình làm người để cứu con người. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su kết thúc thế nào, chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó. Vì sự cứng lòng tin của dân chúng thời bấy giờ mà Chúa đã chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển như dấu chỉ và phép lạ vĩ đại nhất để đánh thức và củng cố Đức tin yếu kém của họ.

Đụng chạm vào Chúa Giê-su với đôi bàn tay con người là chưa đủ nhưng cần phải chạm vào Người với Đức tin. Với những người đã “sờ” vào Chúa bằng niềm tin tưởng, Chúa đã chữa lành thực sự cho họ như trường hợp của bà lão bị bệnh băng huyết (x. Mt 9, 22; Mc 5, 34; Lc 8, 48). Và ngày hôm nay chúng ta cũng vậy. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta được chạm đến chính con người của Đức Giê-su dưới hình bánh rượu. Nhưng sẽ trở nên thật vô nghĩa nếu chúng ta thực hiện cử chỉ này như những người không có lòng tin. Còn đối với những người tin thì giây phút được rước Con Thiên Chúa vào lòng sẽ trở thành những khoảnh khắc ý nghĩa và cảm động nhất vì khi ấy, họ đang được chạm cách thực sự đến Đấng Chí Thánh và nhờ đó họ được biến đổi con người tội lỗi của mình và được hứa ban phần thưởng hạnh phúc viên mãn trên Nước Trời.

Lm. Gio-an Trần Văn Viện

2. VÌ SAO THEO CHÚA?

(Mc 3,7-12)

1. Chúa Giê-su và các môn đệ đi ra bờ biển. Dân chúng từ khắp nơi theo Chúa rất đông, nên Người phải xuống thuyền giảng dạy để khỏi bị chen lấn. Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên hết thảy những kẻ đau yếu đều tuốn đến với Người. Còn ma quỉ mỗi khi thấy Người thì sụp lạy và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.. Nhưng Người cấm không cho chúng tiết lộ điều đó để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền, nhất là vì quần chúng còn hiểu lầm về sứ mạng của Người.

2. Thánh Mác-cô cho biết danh tiếng Người đã đồn đi khắp nơi nên người ta từ mọi miền, các Thành Do thái cũng như các thành ngoại giáo, không biết là bao nhiêu người.

Nhưng có một điều muốn đặt ra ở đây là “động cơ nào” đã khiến người ta đến với Chúa đông như thế vì người ta chưa thực sự biết Chúa: ma quỉ biết Chúa Giê-su, nhưng chỉ biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với mục đích kiếm lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ biết một cách hời hợt; những người biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người của Chúa; chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới biết chính xác về Người.

Như vậy có nhiều động cơ nhưng theo như cách Chúa hành xử trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ đa số người ta đến với Chúa vì động cơ vụ lợi và vật chất. Chính vì thế, nên khi ma quỉ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giê-su là một “nguồn lợi vật chất”, thì chính Chúa Giê-su đã phải tìm cách lánh xa và ngăn cấm.

3. Phải công nhận rằng, trong cuộc sống, việc con người đến với Chúa thường bị chi phối bởi rất nhiều động lực có tính cách trần thế. Tại sao vậy? Thưa, vì bản tính con người chúng ta vốn ích kỷ. Lòng ích kỷ đã biến chúng ta thành những người chỉ biết nghĩ đến mình mà không cần biết đến những người khác. Tệ hơn nữa, là nhiều khi chúng ta còn coi Thiên Chúa là một nguồn lợi – các giám mục hai giáo phận Lyon và Saint Étienne bảo: nhiều khi các tín hữu còn biến Thiên Chúa thành một cái kho – để cho chúng ta đến mà khai thác và thủ lợi, hơn là đến để tỏ lòng tôn kính và biết ơn.

Truyện: Jesus only.

Câu chuyện sau đây do mục sư H.A. Ironside kể trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh: Một nhóm Ki-tô hữu đang họp trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền nhà, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ “Jesus only” (chỉ vì Chúa Giê-su mà thôi). Một cơn gió mạnh thổi qua làm mất 3 mẫu tự đầu. Hàng chữ trở thành “Us only” (chỉ vì chúng ta mà thôi).

Mục sư kết luận: đối với một số Ki-tô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu diễn tả đúng ý hưởng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai (Sunday School Times).

4. “Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai”(Mc 3,18).

Tại sao Chúa lại cấm ma quỉ tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa? Thưa, không phải tà thần tuyên truyền giùm Ngài, thực ra chúng muốn phá hại hoạt động của Ngài, vì khi làm như thế, chúng khiến dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Ngài và do đó sẽ không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là Đấng Mê-si-a dùng Thập giá để cứu loài người. Bởi đó việc Ngài “cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai cũng là một biện pháp ngăn chận quan niệm sai lạc ấy (Lm. Ca-rô-lô).

5. Các Tông đồ theo Chúa một thời gian, nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm mà vẫn chưa hiểu rõ Ngài khi Ngài hỏi: “Phần các con, các con bảo Thấy là ai” (Mc 8,29)? Các ông cũng chỉ trả lời theo dư luận của quần chúng, trừ ông Phê-rô được Thiên Chúa mạc khải cho: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời Ngài chờ đợi các môn đệ và mọi người chắc không phải là một công thức, một lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là tất cả cuộc sống. Sự hiểu biết Chúa Giê-su chờ đợi nơi mọi người chúng ta không phải là một hiểu biết thuần trí thức, mà phải là một tương giao mật thiết.

6. Truyện: Bệ hạ là tất cả của thần.

Ferdowsi (925-1020) thi sĩ người Ba tư, kể câu chuyện: Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là cả triều đình. Họ mang theo vô số vàng bạc của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quị. Từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Người ta thấy được tức khắc sự tham muốn bừng lên trong mắt những người theo hộ giá nhà vua. Bằng một cử chỉ vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng:

– Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác quay về.

Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.

Đang đi ông bỗng nghe thấy có tiếng chân theo sau mình. Ông quay lại và nhận ra đó là người hầu cận được tiếng là trung thành nhất của ông. Ông âu yếm nhìn anh và nói:

– Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng? Ngươi không biết rằng, với số vàng bạc ấy ngươi sẽ trở nên giầu sang không?

Người hầu cận trung thành trả lời:

– Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.

Vâng, Giê-su cũng là Đấng quí giá nhất cho mỗi người chúng ta. Chúa phải là tất cả cho mỗi người chúng ta.

Lm Giu-se Đinh Lập Liễm

Mới hơn Cũ hơn